Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam hôm nay

0 / 5. 0

(Dân trí) – Chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày (12-13/12) của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng tiếp tục tạo động lực, xung lực mạnh mẽ để hai bên duy trì, phát triển mối quan hệ sẵn có.

Ngày 12/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Phu nhân là bà Bành Lệ Viện sẽ đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân.

Theo lịch trình dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao sẽ tham dự lễ đón cấp Nhà nước tại Phủ Chủ tịch vào chiều cùng ngày.

Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm tại trụ sở Trung ương Đảng.

Ngày 13/12, ông Tập sẽ đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó có cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Buổi chiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân giao lưu nhân sỹ hữu nghị, thế hệ trẻ Việt Nam – Trung Quốc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào năm 2017 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam với cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc. Hai lần trước đó vào năm 2015 và 2017.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết trong chuyến thăm lần này, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ xác định những phương hướng, trọng tâm lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.

Đồng thời, một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực có thể được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ông Vũ nhấn mạnh sự kiện này, cùng với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng tiếp tục tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho các cấp, ngành, địa phương và đoàn thể nhân dân tiếp tục duy trì, phát triển mối quan hệ sẵn có.

Qua đó xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (năm 2008) đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Trong đó, có nhiều chuyến thăm cấp cao đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, gần đây nhất là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022.

Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu. Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022.

Qua 15 năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.

Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Trung Quốc (Đồ họa: Thủy Tiên – Hà Mỹ).

Nguồn: Báo Dân Trí