3 thị trường xuất khẩu thủy sản “tỷ đô” của Việt Nam

0 / 5. 0

(HQ Online) – Hết tháng 9, 3 thị trường xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố, xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 đạt 814 triệu USD, giảm 5,2% so với tháng trước.

Tính chung hết tháng 9, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,1% (tương ứng giảm 1,87 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 1,17 tỷ USD, giảm 33,8%; tiếp theo là Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, giảm 12,9%; Trung Quốc đạt 1,01 tỷ USD, giảm 15,9%, đây cũng là 3 thị trường xuất khẩu thủy sản “tỷ đô” của cả nước tính hết tháng 9.

Ngoài ra, EU cũng là thị trường lớn với kim ngạch đạt 714 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tôm có tín hiệu tích cực

Trong ngành hàng thủy sản xuất khẩu, tôm có đóng góp lớn nhất về kim ngạch. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9, xuất khẩu tôm đạt 322 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng.

Lũy kế hết tháng 9 mặt hàng tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ 2022 và chiếm gần 39% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước nói chung.

Đáng chú ý, xuất khẩu tôm trong tháng 9 có những tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc) với mức tăng trưởng dương từ 1%-54%.

Các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tăng trưởng âm từ 10%-26%, tuy nhiên mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó.

Về sản phẩm xuất khẩu, tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất lên tới 74% kim ngạch mặt hàng tôm, đạt 1,9 tỷ USD; tôm sú đạt 356 triệu USD, chiếm tỷ trọng 14%…

VASEP phân tích, sau kỳ nghỉ lễ dài (gồm tết Trung thu và ngày Quốc khánh) ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ tôm ở thị trường quan trọng này ghi nhận giảm mạnh do tồn kho cao, bởi trước đó Trung Quốc nhập khẩu nhiều tôm từ Ecuador. Trong khi đó, các công ty nắm hàng tồn kho, không muốn giảm giá bán để giải phóng hàng.

Ngoài ra, việc xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý của Nhật Bản cũng được cho là có ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung trong đó có mặt hàng tôm tại thị trường Trung Quốc. Dự kiến, trong quý cuối của năm 2023 nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc chưa thể phục hồi.

Đối với Hoa Kỳ, đây được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi khi kim ngạch tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đạt tăng trưởng dương. Đặc biệt, tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó và tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái…

Cá tra lần đầu tăng trưởng dương trong năm 2023

Cùng với tôm, cá tra là mặt hàng xuất khẩu quan trọng hàng đầu của ngành hàng thủy sản. Thời gian gần đây, xuất khẩu cá tra đang có những tín hiệu tích cực. Tháng 9, đạt 167 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là lần đầu tiên trong năm 2023 nhóm hàng quan trọng này ghi nhận tăng trưởng dương.

Dù vậy, tính hết tháng tháng 9 xuất khẩu cả tra mới đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực vẫn là cá tra thuộc mã 0304 (trừ sản phẩm chả cá và surimi) đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 82% tỷ trọng kim ngạch mặt hàng cá tra nói chung.

Về thị trường, tháng 9, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính đã ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số như Trung Quốc và Hồng kông (Trung Quốc), EU, Brazil, Mexico…

Với những tín hiệu tích cực gần đây, kỳ vọng xuất khẩu cá tra sẽ có nhiều khởi sắc trong quý 4 của năm 2023.

Mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của nhóm hàng thủy sản là cá ngừ, tuy nhiên, nhóm hàng này vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Tháng 9, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 72 triệu USD, giảm hơn 7% so với tháng trước. Tính hết tháng 9 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 617 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.


Nguồn: Haiquanonline