Liên minh châu Âu siết chặt quy định đối với thương mại nông sản tươi và mật ong
Liên minh châu Âu (EU) ngày càng siết chặt các quy định đối với thương mại nông sản tươi và mật ong nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ điển, các tiêu chuẩn mới, đặc biệt tại thị trường Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, yêu cầu nhà xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về dư lượng hóa chất, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Những thay đổi này đặt ra thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần.
Quy định mới của EU đối với nông sản tươi
Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ điển cho biết, EU đã ban hành một loạt quy định nhằm giảm thiểu dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên nông sản nhập khẩu, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Theo Quy định 2023/915, mức dư lượng cadmium tối đa đã được giảm đối với các loại trái cây như dâu, cam quýt, xoài, chuối và dứa. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, tiến hành kiểm tra chất lượng tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu. Ngoài ra, các siêu thị Bắc Âu thường áp dụng tiêu chuẩn cao hơn yêu cầu của EU, tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.
Chứng nhận kiểm dịch thực vật (Phytosanitary Certificate) cũng là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các loại nông sản tươi nhập khẩu, nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập sinh vật gây hại. Một số loại trái cây như xoài còn cần áp dụng biện pháp xử lý bổ sung như nhiệt xử lý để đảm bảo an toàn thực phẩm. EU cũng tăng cường kiểm tra và giám sát sản phẩm nhập khẩu, với tỷ lệ kiểm tra cao đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất vượt mức.
Theo các chuyên gia, nhà xuất khẩu Việt Nam cần thực hiện chiến lược tuân thủ toàn diện để đáp ứng quy định của EU. Trước hết, cần đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn về dư lượng hóa chất, sử dụng các loại hóa chất được EU chấp thuận và kiểm tra dư lượng tại phòng thí nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch để đáp ứng yêu cầu về chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ kiểm tra chất lượng chi tiết để đối phó với tỷ lệ kiểm tra cao tại EU. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Rainforest Alliance hay Fairtrade không chỉ giúp sản phẩm vượt qua rào cản nhập khẩu mà còn nâng cao uy tín. Hơn nữa, đầu tư vào sản xuất bền vững là yếu tố quan trọng để thu hút người tiêu dùng Bắc Âu, vốn đặc biệt quan tâm đến tác động môi trường của sản phẩm.
Quy định mới của Bắc Âu đối với mật ong
Theo Chỉ thị Mật ong EU (Directive 2024/1438), Bắc Âu đã áp dụng các yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm mật ong nhập khẩu. Cụ thể, các loại mật ong pha trộn phải ghi rõ từng quốc gia xuất xứ trên nhãn chính, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, EU áp dụng công nghệ kiểm tra hiện đại để xác minh tính xác thực của sản phẩm, đồng thời yêu cầu hệ thống truy xuất nguồn gốc đầy đủ từ tổ ong đến sản phẩm cuối cùng.
Đến năm 2028, phương pháp phân tích mật ong sẽ được tiêu chuẩn hóa trên toàn EU nhằm tạo sự đồng nhất trong kiểm tra chất lượng. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, đòi hỏi họ phải nâng cấp hệ thống kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ghi chép chi tiết từ quy trình nuôi ong, thu hoạch, chế biến đến đóng gói. Việc áp dụng công nghệ nhãn mác điện tử hoặc phần mềm quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp theo dõi chất lượng sản phẩm dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cần đảm bảo mật ong không bị pha trộn và đạt các chứng nhận quốc tế như Organic Certification, Fairtrade hay Rainforest Alliance để nâng cao uy tín.
Chi phí tuân thủ các quy định mới có thể là gánh nặng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó cần có kế hoạch tài chính hợp lý. Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho người nuôi ong cũng là giải pháp giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng quy định nghiêm ngặt như một lợi thế cạnh tranh, quảng bá cam kết minh bạch và bảo vệ môi trường để thu hút người tiêu dùng Bắc Âu. Việc tham gia hội chợ thương mại quốc tế cũng là cách hiệu quả để mở rộng mạng lưới khách hàng.
Thị trường Bắc Âu đánh giá cao các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và chất lượng vượt trội. Việc tuân thủ quy định mới giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh và mở rộng thị phần. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức lớn về chi phí tuân thủ và cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Nếu chuẩn bị tốt về hệ thống kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc và các chứng nhận quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển bền vững tại thị trường Bắc Âu.