Giải pháp gia tăng thị phần hàng hoá Việt Nam tại thị trường Anh

0 / 5. 0

Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi với lộ trình cắt giảm thuế quan rất lớn, nhưng hiện nay thị phần hàng hoá Việt Nam chỉ chiếm 1% tại Anh. Vì vậy, việc tìm các giải pháp để gia tăng thị phần hàng hoá Việt Nam tại Vương quốc Anh hết sức quan trọng, nhằm tận dụng một cách hiệu quả UKVFTA.

Thị phần hàng hoá tại Anh còn khiêm tốn

Vương quốc Anh hiện nằm trong nhóm 5 thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất thế giới, vì thế, sau khi Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi, với việc mở cửa ưu đãi với thuế suất 0% trong vòng 5 năm, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh trong tháng 8/2024 đạt 20,8 triệu USD, tăng 18,6% so với tháng 8/2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh đạt 145,7 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường toàn cầu bởi những tác động từ các yếu tố kinh tế, chính trị, đánh giá về kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ củ Việt Nam, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, ngành gỗ đang hưởng lợi từ UKVFTA, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Anh cao hơn so với mức bình quân của tất cả các ngành hàng.  Tuy nhiên, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, kết quả này còn khiêm tốn so với các tiềm năng, lợi thế.

Ngoài gỗ và sản phẩm từ gỗ, nhiều hàng hoá thế mạnh xuất khẩu sang Anh như nông sản, dệt may, gia giày… dù xuất khẩu tăng trưởng tích cực, nhưng cũng đang đạt con số khiêm tốn so với lợi thế từ UKVFTA mang lại. Đánh giá về thị phần hàng hoá Việt Nam tại Vương quốc Anh, Bộ Công Thương cho biết, hiện chỉ chiếm 1% tại Anh. Nguyên nhân được chỉ ra là do doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu mà thường tập trung nguồn lực để tăng quy mô sản xuất, sản lượng nhiều nhất sau đó mới chú trọng đến công tác chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng. Và có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Điều này dẫn đến khi có sự cố tranh chấp liên quan đến thương hiệu doanh nghiệp mới chú ý.

Về vấn đề này, ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ, hầu hết doanh nghiệp cả chúng ta đều sản xuất gia công theo các đơn hàng, mẫu mã từ khách hàng nước ngoài, chúng ta chưa chủ động tung ra những mẫu mã, thiết kế mang giá trị văn hóa Việt. Trong khi, chi phí chúng ta bỏ ra để có bản quyền sản xuất cái ghế, bàn còn cao hơn so vơi lợi nhuận được hưởng từ sản phẩm đó. Mặt khác, năng lực xúc tiến thương mại của chúng ta còn hạn chế cả ở tầm quốc gia lẫ hiệp hội, doanh nghiệp. Vì năng lực xúc tiến thương mại còn hạn chế như vậy nên chúng ta vẫn chưa có được thương hiệu quốc gia với sản phẩm gỗ Việt, chưa có được thương hiệu đối với từng doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm.

Bên cạnh đó, một trong các hạn chế được đề cập đó là doanh nghiệp trong nước đa số chưa chú trọng đến công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp không chú ý đến khâu đăng ký, theo đuổi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý dẫn tới nhiều cá nhân, tổ chức đăng ký trước, vì thế doanh nghiệp có thể phải mua lại với gia cao, hoặc bị lợi dụng uy tín, tham gia các vụ kiện tụng… Đồng thời, doanh nghiệp chưa chú trọng nghiên cứu, đầu tư về thiết kế bao bì, sản phẩm, quan tâm bán thứ mình có chứ chưa bán cái thị trường cần.

Ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng chỉ rõ, một số doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Anh đã quá tập trung vào việc cạnh tranh về giá mà bỏ qua yếu tố quan trọng khác như chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, thị trường Anh không chỉ quan tâm đến giá rẻ mà còn đòi hỏi chất lượng cao và tính bền vững.

Thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường

Hiện, Vương quốc Anh đã là thành viên của Hiệp định CPTPP, điều này đang đã mở ra cơ hội thị trường cho hàng hoá Việt Nam, song đồng nghĩa mức độ cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh ngày càng khốc liệt hơn. Cùng với đó, Vương quốc Anh đang triển khai hàng loạt các quy định mới với hàng hoá nhập khẩu như áp dụng tiêu chuẩn về chống mất rừng… sẽ là những thách thức để hàng hoá Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này nếu như không chú trọng, quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng và định vị thương hiệu.

Bên cạnh đó, hiện các FTA đang là xu hướng chung trên thế giới nhiều quốc gia lựa chọn mở rộng hợp tác kinh tế, khi tham gia sâu về các FTA doanh nghiệp lại phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm, thương hiệu của nhiều quốc gia khác. Mặt khác, các FTA trong đó có UKVFTA đặt ra hàng loạt các yêu cầu về thuế quan, kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ… Theo ông Ngỗ Sĩ Hoài, nếu chúng ta cứ chấp nhận làm ăn như hiện nay, không có những chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển theo chiều sâu thì sẽ gây thiệt thòi cho sản phẩm tại thị trường Anh cũng như sức lực, chi phí bỏ ra.

Từ thực tế trên, để xây dựng, phát triển thương hiệu và gia tăng thị phần tại thị trường Anh, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường. Thường xuyên đổi mới sáng tạo, phát triên sản phẩm theo yêu cầu thị trường cũng như có các nét nổi trội so với các sản phẩm khác tại Anh; tìm kiếm các liên kết xây dựng thương hiệu qua kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất, nhà phân phối trong và ngoài nước thu hút đầu tư để sản xuất, xuất khẩu hàng hoá chất lượng, phân phối tại Anh.

Ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh lưu ý, thị trường Anh đòi hỏi các sản phẩm nông sản phải đạt các chứng nhận quốc tế như Global GAP, Organic Certification và Fair Trade để được chấp nhận. Vì vậy, doanh nghiệp phải đầu tư vào việc đạt các chứng nhận này. Theo đó, doanh nghiệp nên bắt đầu quá trình này ngay bây giờ, vì việc đáp ứng các tiêu chuẩn không chỉ giúp sản phẩm dễ dàng thâm nhập thị trường mà còn tăng thêm giá trị thương hiệu.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, người tiêu dùng Anh ngày càng yêu cầu các sản phẩm có nguồn gốc bền vững, không chỉ về môi trường mà còn về điều kiện lao động. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến việc cải thiện quy trình sản xuất và xây dựng các chứng nhận liên quan. “Chính phủ và các hiệp hội cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đạt được các chứng nhận này và truyền thông tốt hơn về cam kết bền vững của mình”- ông Cường nói.

Lưu ý thêm, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, thương mại điện tử ở Anh đang tăng trưởng mạnh, và các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng các nền tảng như Amazon UK, Ocado để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng Anh. Đầu tư vào các chiến dịch quảng bá trực tuyến là cách hiệu quả để gia tăng sự hiện diện. Theo đó, doanh nghiệp nên phát triển các chiến dịch quảng cáo trực tuyến, tập trung vào câu chuyện sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn và bền vững.


Nguồn: Bộ Công Thương