Xuất khẩu nông sản sang EU: Nắm bắt cơ hội vàng, chinh phục thị trường khắt khe
Để xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, dư lượng hóa chất, truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt và chiến lược bài bản từ sản xuất đến kiểm soát chất lượng.
Xuất khẩu nông sản sang EU – Thị trường trọng điểm của Việt Nam
EU hiện đang là thị trường tiêu thụ nông – lâm – thủy sản lớn thứ ba trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm trên 300 tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; trong đó, thị trường EU chiếm 11,3%. Mặc dù chỉ chiếm 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, Việt Nam xếp thứ 11 trong danh sách các nước xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường châu Âu và vẫn là một trong bốn thị trường xuất khẩu chủ lực sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN.
Nông sản Việt xuất sang EU phải tuân thủ quy định khắt khe về an toàn và bền vững. Ảnh minh họa
EU không chỉ có mức chi cho thực phẩm và đồ uống cao – khoảng 1000 tỷ Euro mỗi năm, chiếm 21,4% tổng chi tiêu hộ gia đình mà còn nổi tiếng với các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn và chất lượng sản phẩm. Điều này tạo ra cơ hội lớn nhưng cũng đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Yêu cầu khắt khe từ thị trường châu Âu
Những “bài toán” an toàn thực phẩm trở thành mối quan tâm hàng đầu khi xuất khẩu sang EU. Gần đây, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) đã gửi Công văn số 27/SPS-BNNVN cho Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và các hiệp hội ngành – bao gồm Bia – Rượu – Nước giải khát, Cà phê – Ca cao, Nước mắm truyền thống, và Điều Việt Nam – thông tin về những cảnh báo từ hệ thống an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đối với các sản phẩm vi phạm quy định.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, bốn nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm gồm:
Một, doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm chứa thành phần từ “thực phẩm mới” theo quy định tại Quy định (EU) 2015/2283.
Hai, khai báo không chính xác về nguyên liệu, đặc biệt là các thành phần dễ gây dị ứng.
Ba, sử dụng phụ gia thực phẩm trái phép hoặc vượt mức quy định.
Bốn, không thực hiện kiểm dịch thú y tại cửa khẩu đối với “sản phẩm hỗn hợp” có thành phần từ động vật.
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, quy định về “thực phẩm mới” và “sản phẩm hỗn hợp” là những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là khối FDI, thường có bộ phận kỹ thuật riêng và tiếp cận thông tin nhanh chóng.
EU đặc biệt là các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy, đang áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm thiểu tác động môi trường. Các quy định mới yêu cầu giảm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên nông sản nhập khẩu, với những hạn mức cụ thể theo Quy định 2023/915. Một số hóa chất bị cấm hoàn toàn đối với một số loại trái cây như dâu, cam quýt, xoài, chuối và dứa.
Hầu hết các sản phẩm nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate) để đảm bảo không mang theo sinh vật gây hại. Một số sản phẩm, như chuối, dừa, chà là, dứa và sầu riêng, có thể được miễn chứng nhận, nhưng các biện pháp bổ sung như nhiệt xử lý cho xoài lại được khuyến khích nhằm ngăn chặn sâu bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, nhấn mạnh yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc của nông sản đối với thị trường Bắc Âu. Nhà xuất khẩu Việt Nam cần đảm bảo sản phẩm không vượt mức dư lượng hóa chất, có đầy đủ chứng nhận kiểm dịch và chứng minh được cam kết về bảo vệ môi trường qua các chứng nhận như GlobalGAP, Rainforest Alliance hay Fairtrade.
Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng và quảng bá cam kết minh bạch
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU không chỉ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn tạo dựng uy tín với khách hàng Bắc Âu. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo các nhà xuất khẩu cần đảm bảo sản phẩm không vượt mức dư lượng hóa chất cho phép và đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt từ các nhà nhập khẩu Bắc Âu. Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật được EU chấp thuận. Kiểm tra dư lượng hóa chất tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu.
Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo Chứng nhận kiểm dịch thực vật là yêu cầu bắt buộc để sản phẩm vào thị trường EU.
Hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch tại Việt Nam để đảm bảo quy trình kiểm tra và cấp chứng nhận đúng chuẩn. Áp dụng các biện pháp xử lý để loại bỏ nguy cơ sinh vật gây hại.
Cùng đó, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị đối phó với tỷ lệ kiểm tra cao. Bởi sản phẩm từ Việt Nam có thể nằm trong danh mục rủi ro cao, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra cao hơn.
Vì vậy, doanh nghiệp cần nâng cao kiểm soát chất lượng tại nguồn, đặc biệt với các loại nông sản như ớt, đậu, và trái cây nhiệt đới. Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ về quy trình sản xuất và kiểm tra để giải quyết kịp thời khi có vấn đề phát sinh.
“Việc tuân thủ tốt các quy định EU không chỉ giúp sản phẩm đáp ứng yêu cầu, mà còn tạo dựng uy tín với khách hàng Bắc Âu. Do đó, doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá các cam kết về chất lượng và minh bạch trong chuỗi cung ứng”, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo.
Trong bối cảnh thông tin về các quy định SPS được truyền tải rộng rãi, tuy nhiên, việc kết nối giữa các sở, ngành, và doanh nghiệp còn chưa thông suốt, dẫn đến các vi phạm dễ xảy ra. Chỉ riêng năm 2024, Việt Nam đã nhận 114 cảnh báo từ EU – gấp đôi so với năm 2023. Vì vậy, nghiên cứu kỹ quy định của thị trường trước khi xuất khẩu là điều cần thiết để tránh những rủi ro không đáng có.
Với chiến lược xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng cải tiến và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao, từ đó tận dụng tốt cơ hội phát triển trên thị trường EU đầy tiềm năng.
Nguồn: Tạp chí điện tử Chất Lượng Việt Nam