THỦ TỤC XUẤT KHẨU QUẦN ÁO

0 / 5. 0

Quần áo là mặt hàng xuất khẩu bình thường, không cần điều kiện hay tiêu chuẩn đặc biệt. Do vậy thủ tục hải quan xuất khẩu quần áo cũng đơn giản, không phức tạp. Thông thường, các nhà máy thường mở tờ khai hải quan ngay tại chi cục quản lý nhà máy để thuận tiện cho việc tính toán định mức sản phẩm và bố trí các công việc của mình. Đa số các tờ khai này được phân luồng xanh tự động thông quan nên cũng khá thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu

Hồ sơ hải quan xuất khẩu quần áo hàng mới 100% sẽ theo khoản 5 điều 1 thông tư 39/2018/TT-BTC (sửa đổi điều 16 thông tư 38/2015/TT-BTC). Hàng quần áo xuất khẩu không thuộc diện quản lý chuyên ngành và cấm xuất khẩu

1. Mã HS và thuế XK của quần áo

1.1 Mã HS của quần ào

Khi xuất khẩu hàng hóa, dù là quần áo hay bất kỳ mặt hàng nào khác, bạn cũng nên xác định mã HS cho hàng hóa đó. Đối với mặt hàng là quần áo, bạn có thể tra cứu mã HS cụ thể tại Chương 61 và Chương 62 của Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

  • Chương 61: Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc
  • Chương 62: Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

Trong hai chương này bao gồm nhiều loại hàng quần áo khác nhau. Căn cứ vào hàng hóa thực tế xuất khẩu mà bạn có thể đối chiếu và xác định mã HS chính xác nhất.

Theo đó, để xác định được mã HS của hàng hóa xuất khẩu, trước khi làm thủ tục hải quan bạn có thể đề nghị kiểm tra mã HS theo quy định tại Điều 7 Thông tư Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.

1.2 Thuế xuất khẩu quần áo

Khi xuất khẩu quần áo, người xuất khẩu phải nộp:

  • Không phải nộp thuế VAT (Theo quy định hiện hành, thuế VAT của hàng hóa xuất khẩu là 0%)
  • Thuế xuất khẩu: Quần áo không thuộc danh mục hàng hóa chịu thuế xuất khẩu nên khi xuất khẩu quần áo, người xuất khẩu không phải nộp thuế xuất khẩu

2. Thủ tục hải quan xuất khẩu quần áo

2.1 Hồ sơ hải quan xuất khẩu quần áo:

Hồ sơ hải quan xuất khẩu mặt hàng quần áo thông thường bao gồm:

  • Giấy giới thiệu.
  • Hóa đơn thương mại – Commercial Invoice.
  • Xác nhận đặt chỗ – Booking confirm.
  • Tờ khai hải quan.

2.2 Nhãn hàng hóa xuất khẩu – Shipping

Đối với hàng xuất khẩu, khi đảm bảo việc vận chuyển, làm thủ tục hải quan được thuận lợi, Doanh nghiệp nên dán shipping mark trên các kiện hàng.

Nội dung shipping mark thông thường gồm những nội dung sau:

  • Tên hàng bằng tiếng Anh
  • Tên đơn vị nhập khẩu
  • MADE IN VIETNAM
  • Số thứ tự kiện/tổng số kiện
  • Ngoài ra, có thể thêm các thông tin như Số hợp đồng/invoice trên shipping mark
  • Lưu ý về sắp xếp, vận chuyển hàng hóa (nếu có): vd: cần đặt theo chiều thẳng đứng, hàng dễ vỡ v.v

3. Cấp chứng nhận xuất xứ – Làm C/O xuất khẩu quần áo

Với mặt hàng quần áo – thành phẩm trong ngành may mặc thì quy trình sản xuất và định mức nguyên vật liệu là có sẵn. Do vậy để xin cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho hàng quần áo xuất khẩu không phải là khó. Hơn nữa mặt hàng quần áo này cũng là mặt hàng được nhà nước khuyến khích xuất khẩu và là mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta.

Thủ tục xin cấp chứng nhận xuất xứ – làm C/O cho hàng quần áo xuất khẩu bao gồm:

  • Đơn đăng ký cấp C/O theo mẫu.
  • Hóa đơn thương mại.
  • Tờ khai hải quan thông quan.
  • Quy trình sản xuất.
  • Định mức nguyên vật liệu.
  • Tờ khai nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào hoặc hóa đơn mua nguyên vật liệu đầu vào.