Những thách thức của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.
Việt Nam là nền kinh tế mở, trong quá trình hội nhập, Việt Nam theo đuổi chính sách thương mại tự do, mức độ chênh lệch thuế quan đối với hàng hoá Hoa Kỳ là không nhiều và trong thời gian tới có thể tiếp tục xuống thấp hơn, do Việt Nam chủ trương giảm thuế MFN đối với nhiều mặt hàng. Do đó, một số sản phẩm Hoa Kỳ có lợi thế cạnh tranh cao như ô tô, nông sản, khí hóa lỏng, ethanon… sẽ được hưởng lợi từ chính sách này, đồng thời sẽ tạo ra các luồng nhập khẩu tích cực từ Hoa Kỳ, góp phần vào việc cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước.
Giữa hai nước đã có cơ chế đối thoại chính sách thành lập theo Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng chủ động giao các bộ ngành rà soát những vướng mắc, xây dựng phương án xử lý những vấn đề Hoa Kỳ quan tâm; trên cơ sở thương mại công bằng, có đi có lại, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng hài hòa, thỏa đáng lợi ích của các bên.

Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào quá trình hình thành, phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm ở Việt Nam, nhất là các dự án năng lượng trọng điểm (năng lượng mới, hydrogen, điện hạt nhân…), tạo tiền đề để tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng, nhiên liệu, thiết bị máy móc, công nghệ từ Hoa Kỳ, góp phần cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước.
Đối với doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các ngành hàng để chuẩn bị ứng phó với các kịch bản khác nhau. Để tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động và khó khăn, ngoài nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ngành, còn phải dựa vào sự nhạy bén, chủ động bám sát thị trường và khả năng thích ứng, tìm tòi và phát triển năng lực cạnh tranh của bản thân các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường… Đặc biệt, cần chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, cũng như đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.
Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam